Trong bối cảnh công nghệ ngày càng hiện đại, các hình thức vi phạm công tác xuất bản liên quan đến sách lậu, sách giả ngày càng tinh vi, từ việc in lậu, làm giả đến việc sao chép, định dạng lại các nội dung, sau đó đăng tải trên website, mạng xã hội, ứng dụng di động.
Quang cảnh Hội thảo, ảnh: Dân Trí
Chiều ngày 29/8, tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Cục Xuất bản, In và Phát hành phối hợp với Hội Xuất bản Việt Nam và Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Hội thảo khoa học Sự tác động của xuất bản phẩm lậu, xuất bản phẩm giả đối với phát triển văn hóa đọc. Tham dự hội thảo còn có đại diện Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTT&DL), Hội Thư viện Việt Nam cùng các nhà xuất bản và cơ quan truyền thông.
Đồng chủ trì hội thảo có ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành; TS Đỗ Quang Dũng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam; PGS. TS Trần Thanh Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Bước vào Hội thảo, trong đề dẫn của mình phía Cục Xuất bản, In và Phát hành đã khẳng định: trong xu thế phát triển của hoạt động xuất bản, tình trạng in lậu, làm giả xuất bản phẩm và gian lận thương mại trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm ngày một gia tăng dưới nhiều hình thức như: In truyền thống, điện tử, trên không gian mạng... các hành vi này đã tác động xấu đến hoạt động xuất bản, đến việc tiếp cận tri thức của người dân thông qua xuất bản phẩm, đến mục tiêu phát triển văn hóa đọc của cộng đồng.
Đại biểu của Hội Thư viện phát biểu
Trong các tham luận tại hội thảo, đại diện Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Khoa học Kỹ thuật, Hội Thư viện, đại diện của Công ty Cổ phần sách điện tử WAKA, Công ty sách nói Voiz FM... đã tập trung vào 3 nhóm vấn đề: 1) Đánh giá tác động của sách giả, sách lậu đối với người sử dụng; 2) Đánh giá những tác động của việc sử dụng sách giả, sách lậu đối với việc chấp hành quy định pháp luật hướng đến mục tiêu xây dựng xã hội học tập, phát triển văn hóa đọc; 3) Đề xuất các giải pháp để tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng sách lậu, sách giả.
Các ý kiến tại Hội thảo cho biết, các hình thức vi phạm công tác xuất bản liên quan đến sách lậu, sách giả ngày càng tinh vi, từ việc in lậu, làm giả đến việc sao chép, định dạng lại các nội dung, sau đó đăng tải trên website, mạng xã hội, ứng dụng di động. Đặc biệt tình trạng bán sách lậu thông qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử với giá bằng 1/2, thậm chí bằng 1/3 sách thật. Hiện tượng in nối bản ngoài hợp đồng với nhà xuất bản, với tác giả của một số nhà sách đã làm thiệt hại đến quyền tác giả và nguồn thu của nhà xuất bản cũng được đề cập như một bằng chứng về sách lậu.
Đề chống nạn sách lậu, sách giả, các giải pháp/ kiến nghị được đề xuất như:
- Cần thành lập cơ quan chuyên trách về phòng, chống in lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành; xử phạt nặng, xử phạt nghiêm minh các hành vi sai phạm nhằm răn đe để người ta không dám làm sách lậu, sách giả
- Quản lý chặt chẽ hoạt động liên kết xuất bản với cả sách in và sách điện tử; tuyên truyền, hướng đến sử dụng đồng bộ tem chống hàng giả.
- Có cơ chế phối hợp chung, giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ lưu trữ, các nhà mạng với đơn vị xử lý những vấn đề vi phạm bản quyền; lập nhóm Zalo các nhà báo hỗ trợ cho các đơn vị xuất bản để cung cấp về sách lậu, sách giả; đồng thời tuyên truyền sách hay, sách tốt.
- Thực hiện các biện pháp kỹ thuật giúp bạn đọc nhận diện sách giả, tìm mua sách thật: sử dụng tem thông minh, làm bìa ép kim, làm hiệu ứng, tạo QR Code cung cấp thông tin xuất bản phẩm chính hãng, chọn chất liệu giấy tốt, tem chống giả; Tổ chức nhiều dòng sách để đáp ứng nhu cầu và khả năng đa dạng của bạn đọc; Đề xuất thành lập một chuyên trang chống sách lậu là nơi tuyên truyền về ý thức bảo vệ sở hữu trí tuệ cho độc giả.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm, ảnh: Ngô Kiêm
Phát biểu kết luận Hội thảo ông Nguyễn Nguyên khẳng định: các nhà xuất bản phải đồng lòng hiệp sức, vận dụng linh hoạt những giải pháp về quản lý thể chế; giải pháp kinh tế như tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh, mở các thị trường mới. Ngoài ra, phải liên hệ với hệ thống ngân hàng, logistics, thiết lập “danh sách đen” các đơn vị vi phạm để trừ diệt tận gốc vấn nạn sách lậu, sách giả.
Nhà xuất bản Khoa học xã hội