Tái cấu trúc kinh tế vùng có thể xem là đòi hỏi tự thân của nền kinh tế để từ đó xây dựng cấu trúc kinh tế hợp lý trên cơ sở khai thác, tận dụng tốt lợi thế so sánh của vùng, đồng thời cấu trúc kinh tế đó phải phù hợp với quy luật phát triển đương đại, theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế.
Cuốn sách “Tái cấu trúc kinh tế vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2030” bàn về tái cấu trúc kinh tế vùng với mục tiêu đổi mới hệ thống đòn bẩy khuyến khích, thúc đẩy phân bố lại nguồn lực (trước hết là vốn đầu tư có lồng công nghệ, tài nguyên và lao động lành nghề) hợp lý hơn và đến nơi sử dụng có hiệu quả cao hơn.
Khung lý thuyết tái cấu trúc kinh tế vùng được đề cập với các học thuyết: (1) Lý thuyết tăng trưởng nội vùng và mô hình tăng trưởng (MHTT) xanh: lý thuyết tăng trưởng nội sinh mới và lý thuyết tăng trưởng nội sinh với MHTT xanh. (2) Lý thuyết về phát triển kinh tế vùng: lý thuyết vị trí, KCN và cực tăng trưởng; lý thuyết hệ thống đổi mới sáng tạo vùng, đây là một tiếp cận lý thuyết mới trong phát triển vùng trong bối cảnh động lực phát triển vùng chuyển từ vật chất sang phi vật chất (đổi mới, sáng tạo). (3) Các lý thuyết kinh tế học cấu trúc: các tiếp cận kinh tế cấu trúc cũ; kinh tế học cấu trúc mới.
Từ nền tảng lý thuyết đó, tác giả đã phân tích và đánh giá thực trạng cấu trúc kinh tế vùng Bắc Trung Bộ (BTB) giai đoạn 2006 – 2016 theo các hướng tiếp cận: Thực trạng tăng trưởng, cấu trúc kinh tế vùng BTB và các động thái tái cấu trúc; tăng trưởng kinh tế với vấn đề xã hội; tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường; thực trạng phát triển hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng; phát triển hệ thống doanh nghiệp vùng BTB về quy mô, cơ cấu hệ thống; năng lực công nghệ; thực trạng cổ phần hóa và hiệu quả sau cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; thực trạng đầu tư công vùng BTB và các động thái tái cấu trúc. Thực trạng phát triển các vùng kinh tế động lực ở BTB, và thực trạng liên kết phát triển vùng BTB cũng đã được nhóm nghiên cứu làm rõ.
Tác giả đã đánh giá chung về thành tựu đạt được, những hạn chế (và nguyên nhân) cấu trúc kinh tế vùng BTB và các động thái tái cấu trúc kinh tế địa phương tác động đến cấu trúc kinh tế vùng. Qua đó cho thấy, dư địa tăng trưởng theo vốn không lồng công nghệ và lao động chưa qua đào tạo đang bị thu hẹp dần, thậm chí bộc lộ yếu tố đã tận thu. Nhưng động lực của tăng trưởng theo chiều sâu (hiệu quả sử dụng nguồn lực, năng suất lao động, năng suất tổng hợp) lại cần được tác động để cải thiện nhằm bù đắp sự suy giảm của động lực tăng trưởng theo chiều rộng.
Từ đó, nhóm tác giả đã đề xuất 10 nhóm giải pháp nhằm tái cấu trúc kinh tế vùng BTB đến năm 2030
Trân trọng giới thiệu đến bạn đọc!