Thế giới xưa nay, chủ quyền quốc gia vốn là thiêng liêng đối với bất cứ dân tộc nào. Để gìn giữ chủ quyền, trải qua hơn 2000 năm, từ thời Tần (221-206 Tr. CN) đến nửa sau thế kỷ XIX, các triều đại phong kiến Trung Quốc chỉ “Chú trọng phòng thủ trên đất liền, coi nhẹ phòng thủ trên biển cả”. Điều này gần như đồng nghĩa với việc người Trung Quốc đã “nhất quán” quay lưng trước biển, không tương tác với biển trong thời gian rất dài.
Cuốn sách Quan điểm về biển và sự điều chỉnh trọng tâm chiến lược quốc phòng của triều đình nhà Thanh ở nửa cuối thế kỷ XIX, do TS Đào Duy Đạt chủ biên sẽ góp phần cùng giới nghiên cứu trong nước phản bác lại quan điểm của giới cầm quyền Bắc Kinh, khi họ coi vùng biển của các quốc gia Đông Nam Á tiếp giáp với Biển Đông là “Lãnh thổ Trung Quốc có từ thời cổ đại”, là “Lợi ích cốt lõi” của họ.
Với mục đích trên, cuốn sách đã được các tác giả triển khai theo ba nội dung chủ yếu sau:
I. Những nhân tố tác động đến quan điểm về biển và đến sự điều chỉnh trọng tâm chiến lược quốc phòng của Trung Quốc nửa sau thế kỷ XIX
1/. Những nhân tố tác động đến quan điểm về biển, bao gồm: Nhân tố truyền thống, Trung Quốc vốn là một thể chế nông nghiệp điển hình trong lịch sử; Quốc gia này trong tương tác quyền lực biển ở khu vực, thời kỳ Nguyên -Minh (1279-1644); Tác động của hoạt động cướp biển và hoạt động phòng vệ biển của người Trung Quốc; Tương tác môi trường biển của Trung Quốc thời kỳ đầu nhà Thanh; Sự suy vi của triều đình nhà Thanh thời mạt kỳ.
2/. Những nhân tố tác động đến sự điều chỉnh trọng tâm chiến lược quốc phòng của Triều đình nhà Thanh: Sự gia tăng xâm nhập của người phương Tây đối với phương Đông từ sau phát kiến địa lý; Sự xâm chiếm thuộc địa của các quốc gia phương Tây đối với Đông Nam Á;Tác động từ công cuộc Duy tân của Nhật Bản; Những cuộc xâm lược Trung Quốc của người phương Tây và Nhật Bản (Qua 2 cuộc chiến tranh Thuốc phiện và cuộc chiến tranh Giáp Ngọ).
II. Sự điều chỉnh trọng tâm chiến lược quốc phòng của triều đình nhà Thanh ở nửa cuối thế kỷ XIX
1/. Quan điểm về biển của người Trung Quốc trước nửa cuối thế kỷ XIX.
2/. Chiến lược quốc phòng của các triều đại phong kiến Trung Quốc trước nửa cuối thế kỷ XIX.
3/. Điều chỉnh trọng tâm chiến lược quốc phòng của triều đình Mãn Thanh.
4/. Nội dung quy hoạch và việc xây dựng chiến lược phòng thủ biển của triều đình Thanh ở nửa cuối thế kỷ XIX.
III. Đánh giá quan niệm về biển và sự điều chỉnh trọng tâm chiến lược quốc phòng của Trung Quốc nửa cuối thế kỷ XIX và hàm ý cho Việt Nam trong vấn đề Biển Đông
1. Đánh giá quan điểm về biển và sự điều chỉnh chiến lược quốc phòng của Trung Quốc ở nửa cuối thế kỷ XIX
2. Hàm ý cho cuộc đấu tranh khẳng định chủ quyền ở Biển Đông của Việt Nam trong lịch sử .
2.1. Hàm ý cho Việt Nam khẳng định chủ quyền qua kênh pháp lý.
2.2. Những bằng chứng về việc thực thi chủ quyền liên tục ở Biển Đông của Việt Nam thời thuộc Pháp.
Đóng góp mới, nổi bật của cuốn sách trên, đó là việc các tác giả đã chủ yếu sử dụng chính những tư liệu lịch sử gốc trong Tủ sách tư liệu lịch sử cận đại Trung Quốc (ở đây, là cuốn “Phong trào Dương Vụ” gồm 8 quyển, do Hội sử học Trung Quốc chủ biên, Nxb Nhân dân Thượng Hải, 6/2000). Việc này đã khiến nhóm tác giả rút ra được 2 kết luận có sức thuyết phục: 1/ Trung Quốc dưới triều Mãn Thanh (cũng như trong quá khứ), hầu như rất ít có những mối liên hệ hay hoạt động tương tác với bên ngoài qua đường biển. Nói cách khác, Trung Quốc trong suốt thời kỳ dài không có khái niệm về kiểm soát, quản lý biển - nhất là khu vực Biển Đông; 2/ Trong cuốn sách này, nhóm tác giả đã làm rõ mối quan hệ nhân quả, biện chứng giữa “Quan niệm về biển” và “Chiến lược quốc phòng” của Trung Quốc thời cận đại (1840-1911): Triều Thanh, do quan điểm ấu trĩ về biển nên hoàn toàn thúc thủ trước phương Tây, buộc phải “Điều chỉnh trọng tâm chiến lược quốc phòng”; việc “Điều chỉnh” này lại chính là minh chứng “Sống”, phản bác một cách thuyết phục luận điệu cho rằng “những hòn đảo trên Biển Đông là thuộc lãnh thổ Trung Quốc kể từ thời xa xưa” (Tuyên bố của Tập Cận Bình, ngày 7/11/2015 tại Singapore).
Từ góc độ lịch sử và với nguồn tư liệu gốc, nhóm tác giả đã thể hiện cách tiếp cận mới về vấn đề Biển Đông, có giá trị bổ sung một số luân cứ khoa học, cùng giới nghiên cứu Việt Nam tiếp tục khẳng định việc Trung Quốc trong lịch sử chưa hề kiểm soát được các quần đảo ở Biển Đông, vì các triều đại phong kiến Trung Quốc không có ý thức tiến ra biển. Qua đó, góp phần làm rõ mối tương tác với biển của Việt Nam và Trung Quốc trong quá khứ. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng để làm rõ bản chất yêu sách chủ quyền biển của các bên, phù hợp với Luật pháp quốc tế về biển hiện nay.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.