Giới thiệu sách
Trên cơ sở nhìn lại năm 2019, thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, hướng tới việc xây dựng các văn kiện Đại hội XIII, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam xin trân trọng giới thiệu tới độc giả cuốn sách: “Kinh tế thế giới và Việt Nam 2019-2020: Củng cố nền tảng, vượt lên thách thức” do PGS.TS. Bùi Nhật Quang làm chủ biên.
Năm 2019, tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới nói chung và mỗi quốc gia nói riêng giảm sút liên tục qua các quý. Chiến tranh thương mại và căng thẳng địa chính trị bùng phát gây những ảnh hưởng tiêu cực lớn đến triển vọng của kinh tế thế giới, trong đó chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang ngày càng khó lường bởi các biện pháp trả đũa giữa hai bên ngày càng nghiêm trọng và quyết liệt. Bên cạnh đó, sản lượng của các ngành công nghệp chế tạo giảm xuống mức thấp nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Trong bối cảnh đó, việc các ngân hàng trung ương thế giới tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ bằng cả biện pháp thực tế lẫn công cụ truyền thông đã giúp ngăn chặn phần nào đà suy thoái của kinh tế thế giới, đồng thời, một số lĩnh vực có dấu hiệu tiến triển tốt đã giúp phần nào cho tình hình thế giới giảm bớt sự căng thẳng, trong đó có vấn đề việc làm.
Trong bối cảnh bất định tăng lên toàn cầu, năm 2019 Việt Nam được cho là “bứt phá” phấn đấu thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, với phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, tình hình kinh tế - xã hội quý IV và cả năm 2019 tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả nổi bật với tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức 7,02%. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát thấp nhất trong 3 năm qua ở mức 2,79% năm 2019 và giảm đáng kể so với tỉ lệ lạm phát trung bình 6,94% của giai đoạn 2001-2019. Dịch bệnh Covid -19 đột ngột bùng phát trên toàn cầu đã gây ra những tác động ngày càng lớn đến rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề và đối tượng của nền kinh tế nước ta. Mặc dù vậy, Việt Nam nằm trong nhóm các nước kiểm soát dịch bệnh khá tốt nhờ những chính sách thận trọng và quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành.
Trên cơ sở nhìn lại năm 2019, thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, hướng tới việc xây dựng các văn kiện Đại hội XIII, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam xin trân trọng giới thiệu tới độc giả cuốn sách: “Kinh tế thế giới và Việt Nam 2019-2020: Củng cố nền tảng, vượt lên thách thức” do PGS.TS. Bùi Nhật Quang làm chủ biên. Cuốn sách bao gồm ba phần được chia thành 6 chương: Phần I. Kinh tế thế giới và một số nước, khu vực 2019-2020; Phần II. Kinh tế Việt Nam; Phần III. Kết luận và các kiến nghị chính sách.
Phần I bao gồm 2 chương tập trung trình bày bức tranh tổng quan về kinh tế thế giới, một số nước, khu vực năm 2019-2020. Trên cơ sở phân tích 5 nhóm vấn đề: (i) Tăng trưởng kinh tế thế giới; (ii)Tài chính tiền tệ; (iii) Đầu tư quốc tế; (iv) Thương mại quốc tế; (v) Tác động của dịch Covid-19 đến kinh tế thế giới, nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng chiến tranh thương mại và các căng thẳng địa chính trị bùng phát khiến giới kinh doanh thu hẹp sản xuất, các nhà đầu tư tạm ngừng rót vốn, các thị trường từ yếu tố sản xuất cho đến sản phẩm tiêu dùng cuối cùng đều đình trệ. Theo tính toán của IMF, tốc độ tăng trưởng toàn cầu năm 2020 ở mức -0,3% có thể còn tệ hơn thời kỳ khủng hoảng năm 2008, trong đó, nhóm các nền kinh tế phát triển có tốc độ tăng trưởng trung bình giảm xuống chỉ còn -6,1% và nhóm các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển dự kiến giảm xuống -0,1%. Mặc dù chính sách tiền tệ toàn cầu tiếp tục được nới lỏng song trong năm 2019 chỉ riêng kinh tế Mỹ được coi là có sự tăng trưởng trong khi các nền kinh tế khác vẫn trong tình trạng trị trệ. Phân tích báo cáo của Hội nghi Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), nhóm tác giả nhận định dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đầu tư gián tiếp (FPI) toàn cầu đều suy giảm so với năm 2018 nguyên do được cho là căng thẳng thương mại leo thang, tình hình này sẽ tiếp tục kéo dài do dịch bệnh Covid -19 bùng phát trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới suy yếu và thương mại đình trệ trên diện rộng chắc chắn sẽ khiến dòng vốn đầu tư toàn cầu giảm mạnh. Đại dịch Covid-19 không chỉ là một thử thách đối với nền y học và chăm sóc sức khỏe toàn cầu, mà nó còn có thể trở thành một cú sốc lớn đối với sự vận hành của nền kinh tế thế giới dẫn đến một cuộc đại khủng hoảng kinh tế lớn nhất trong lịch sử loài người. Phân tích kinh tế một số nước và khu vực, nhóm tác giả nhận thấy tình hình kinh tế Mỹ năm 2019 lạm phát có xu hướng tăng lên, thâm hụt ngân sách và nợ công tiếp tục tăng, song thị trường việc làm tăng trưởng ổn định, thâm hụt thương mại giảm. Có được kết quả đó là do một số cải tổ trong chính sách thuế và chính sách tiền tệ. Đối với khu vực EU, năm 2019 được cho là không mấy tương sáng và nổi lên một số điểm đáng chú ý sau: (i) Kinh tế EU tăng trưởng chậm chạp và sụt giảm mạnh vào quý cuối năm 2019; (ii) Lạm phát luôn dưới mục tiêu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có nguy cơ giảm phát; (iii) Hoạt động thương mại vẫn chứng tỏ là trụ đỡ vững chắc cho nền kinh tế khu vực; (iv) Tỷ lệ nợ chính phủ/GDP tại cả hai khu vực ngày càng được kiểm soát tốt hơn; (v) Thặng dư tài khoản vãng lai gia tăng hơn so với năm trước; (vi) Tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục duy trì ở mức thấp nhất trong nhiều năm; (vii) Hoạt động sản xuất kém khởi sắc và có xu hướng giảm mạnh từ quý II/2019. Đối với một số quốc gia và khu vực khác như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Đông Nam Á, Châu Phi và Trung Đông, nhóm nghiên cứu cũng phân tích và đưa ra một số đánh giá dựa trên những báo cáo của các tổ chức uy tín trên thế giới về tình hình kinh tế cũng như động thái chính sách của mỗi nước.
Phần II, bao gồm 4 chương, trong đó trình bày một số nội dung chính sau: (i)Tổng quan kinh tế Việt Nam; (ii) Cải thiện môi trường kinh doanh và tái cơ cấu nền kinh tế; (iii) Phát triển bền vững về môi trường; (iv) Ứng phó với đại dịch Covid-19. Nhóm tác giả khẳng định năm 2019, Việt Nam có mức tăng trưởng ấn tượng với 7,02% (vượt kế hoạch Quốc hội đề ra 6,6-6,8%). Để đạt được kết quả này là do Việt Nam đã kiểm soát được lạm phát từ 3,54% năm 2018 xuống 2,79% vào năm 2019; Thu chi ngân sách và cán cân tài khóa được cải thiện rõ nét; Thị trường lao động nhìn chung có những chuyển biến tích cực song thất nghiệp ở nhóm thanh niên là một trong những vấn đề nổi cộm trên thị trường lao động hiện nay. Vấn đề cơ cấu lại nền kinh tế theo ba trọng tâm gồm cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng đã đạt được một số kết quả tích cực, đây được xem là biện pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả, năng suất, năng lực cạnh tranh và ổn định nền kinh tế. Nói chung, Chính phủ đang nỗ lực duy trì các kết quả đã đạt được và với những mặt chưa đạt được cũng đang nỗ lực để khắc phục, nhất là đối với các nguyên nhân chủ quan làm cho quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp và quá trình thoái vốn chậm lại, giải ngân đầu tư công chậm và lãi suất trên thị trường tài chính của Việt Nam ở mức cao hơn so với trung bình ASEAN-4. Đối với công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, nhóm tác giả đã phân tích thực trạng, chỉ ra những hạn chế yếu kém trong việc xử lý ô nhiễm tại các khu công nghiệp, quản lý chất thải rắn, và ô nhiễm môi trường đô thị…Để đạt được các kết quả tích cực trong bối cảnh tồn tại nhiều vấn đề môi trường, khai thác tài nguyên và biến đổi khí hậu, nhóm nghiên cứu cho rằng cần phải huy động các nguồn lực và sử dụng hiệu quả để giải quyết bài toàn về môi trường, tài nguyên nhằm hướng tới sự phát triển bền vững nền kinh tế. Đại dịch Covid-19 toàn cầu và việc ứng phó với nó là vấn đề được cho là nổi bật nhất trong năm qua. Không giống với cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng tổng cầu của nền kinh tế, tác động đến mặt cung, làm đứt gãy hệ thống cung ứng, chuỗi giá trị và mạng sản xuất. Đề cập đến vấn đề này, nghiên cứu đã phân tích những tác động của nó đối với nền kinh tế, xã hội và phản ứng chính sách của Chính phủ.
Xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc!