Nhà Xuất bản Khoa học xã hội
Tìm kiếm sách
Liên kết website
Chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh mới của khu vực Trung Đông - Bắc Phi (sách chuyên khảo)

Chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh mới của khu vực Trung Đông - Bắc Phi (sách chuyên khảo)

Mã sách: 000209

Tác giả :
  • Kiều Thanh Nga (chủ biên)
Nhà xuất bản :
  • Nhà xuất bản Khoa học xã hội

Năm xuất bản: 2020

Số trang: 240

Kích thước: 14,5 x 20,5 cm

Giá bán: 51.000 VNĐ

ISBN: 978-604-902-978-6049569524


Giới thiệu sách
Một phân tích, đánh giá chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh mới; đưa ra một số khuyến nghị trong quan hệ song phương giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh mới của khu vực Trung Đông - Bắc Phi
Tóm tắt nội dung

Nghiên cứu chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh mới ở khu vực Trung Đông - Bắc Phi sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về Thổ Nhĩ Kỳ, từ đó có những định hướng trong quan hệ song phương giữa Việt Nam với Thổ Nhĩ Kỳ cũng như với khu vực MENA trong bối cảnh hiện nay. Trước thực tế đó, năm 2020, Nhà xuất bản Khoa học xã hội đã xuất bản cuốn sách chuyên khảo với tựa đề: Chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh mới ở khu vực Trung Đông - Bắc Phi do TS. Kiều Thanh Nga làm chủ biên. Cuốn sách đã phân tích, đánh giá chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh mới, từ đó đưa ra một số khuyến nghị trong quan hệ song phương giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh mới của khu vực Trung Đông - Bắc Phi.

Cuốn sách có  3 chương chính:

Chương 1, Bối cảnh mới của khu vực Trung Đông – Bắc Phi và những yếu tố tác động đến chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ.

Phân tích bối cảnh mới của khu vực Trung Đông – Bắc Phi, nhóm nghiên cứu nhận thấy cuộc biến động chính trị xã hội ở khu vực Bắc Phi – Trung Đông vào cuối năm 2010 đầu năm 2011, những gập ghềnh của các xu thế khu vực đã tạo nên một bối cảnh mới ở khu vực. Bên cạnh đó, một số vấn đề nổi bật như: Chủ nghĩa khủng bố xuất hiện trở lại và phát triển mạnh mẽ; Xung đột Israel – Palestine và tiến trình hòa bình Trung Đông vẫn chưa có giải pháp hiệu quả; Sự cạnh tranh và can thiệp của các nước lớn vào khu vực ngày càng mạnh mẽ… đã buộc Thổ Nhĩ Kỳ có những bước điều chỉnh chính sách đối ngoại của mình vừa để ứng phó vừa thực hiện mục tiêu phục vụ lợi ích quốc gia và dân tộc.

Chương 2. Chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh mới ở khu vực Trung Đông – Bắc Phi.

Tập trung đánh giá tổng quát về chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ giai đoạn trước năm 2011 (nghiên cứu chủ yếu tập trung phân tích giai đoạn từ năm 2002 khi Đảng Công lý và Phát triển (AKP) bắt đầu lên nắm quyền), tiếp đó đi sâu phân tích chính sách đối ngoại sau năm 2011 trong bối cảnh mới của khu vực, nhóm tác giả rút ra một số nhận định về chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh mới của khu vực Trung Đông – Bắc Phi. Từ đó có sự đánh giá chiến lược đối ngoại xuyên suốt của Đảng AKP và nhà lãnh đạo Erdogan, so sánh, làm rõ chính sách đối ngoại giữa hai thời kỳ và lý giải nguyên nhân của những thay đổi, điều chỉnh trong chính sách đó.

Chương 3, Tác động của chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ và quan hệ Việt Nam – Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh mới ở khu vực Trung Đông – Bắc Phi.

Phân tích tác động của chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ, nhóm tác giả cho rằng, chính sách “Không vấn đề với các nước láng giềng” đã mang lại uy tín và ảnh hưởng trong khu vực. Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng các chiến lược ngoại giao uyển chuyển, linh hoạt để thiết lập lại lòng tin, hòa bình và an ninh khu vực, theo đuổi chính sách đối ngoại với các nước quan trọng trong khu vực Trung Đông và các đối tác phương Tây. Bên cạnh đó, chính sách đối ngoại mới của Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ có tác động không nhỏ tới khu vực Trung Đông - Bắc Phi mà còn tác động đối với thế giới, đặc biệt trong quan hệ với Nga, Mỹ và EU. Đối với các nước châu Á, mặc dù đã có những bước phát triển trong quan hệ hợp tác nhưng khu vực này vẫn là những đối tác mới của Thổ Nhĩ Kỳ, khó có thể thay thế được các mối quan hệ với nhiều sự ràng buộc về lợi ích như các nước phương Tây.

Trên cơ sở phân tích những tác động và định hướng triển vọng của chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ, nhóm tác giả tập trung đánh giá mối quan hệ giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh mới của khu vực Trung Đông – Bắc Phi và đề xuất một số khuyến nghị chính sách nhằm khai thác cơ hội thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ, tránh bài học trong quan hệ quốc tế về sự phụ thuộc và có những chính sách phù hợp đối với các quốc gia và khu vực Trung Đông – Bắc Phi khi Thổ Nhĩ Kỳ điều chỉnh chính sách đối ngoại trong bối cảnh mới: Thứ nhất, xây dựng chiến lược tổng thể bao gồm cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn trong quan hệ đối ngoại; Thứ hai, Việt Nam cần thúc đẩy hợp tác kinh tế, văn hóa - giáo dục… đồng thời tránh sức ép từ Thổ Nhĩ Kỳ; Thứ ba, tiếp tục theo dõi động thái trong quan hệ đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ và bối cảnh của khu vực Trung Đông – Bắc Phi để có chính sách phù hợp.

Đây là một trong số ít công trình nghiên cứu về Thổ Nhĩ Kỳ cũng như chính sách đối ngoại của quốc gia này. Hy vọng cuốn sách sẽ là nguồn thông tin bổ ích và quý giá đối với độc giả quan tâm đến quốc gia này.

Xin trân trọng giới thiệu!

Trích đoạn:

Xem trích đoạn cuốn sách: Chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh mới của khu vực Trung Đông - Bắc Phi (sách chuyên khảo)